Giáo sư James Choice so sánh lời khuyên tài chính từ 50 quyển sách Tài chính cá nhân nổi tiếng nhất năm 2019 được giới thiệu trên Goodreads và các lý thuyết tài chính trong kinh tế học. Ông kết luận lời khuyên từ những quyển sách Tài chính cá nhân khác xa so với các lý thuyết tài chính phổ biến trong Kinh tế học. Điều này đặt ra câu hỏi và hướng nghiên cứu mới trong kinh tế học tài chính khi nghiên cứu nên đưa ra những giả định mới phù hợp với việc các hộ gia đình đưa ra quyết định về tài chính như thế nào và họ nên đưa ra quyết định như thế nào.
Bài nghiên cứu hay – đặt ra câu hỏi về sự khác nhau giữa thực tế và lý thuyết, làm sao lý thuyết nên tiếp tục được cập nhật để phù hợp với thực tế. Bạn có thể đọc thêm về bài nghiên cứu tại đây hoặc nghe podcast của giáo sư cùng với Freakonomics tại đây. Highly recommend cả đọc và nghe podcast.
Mình tóm tắt lại những nội dung cốt lõi:

Bảng trên tóm tắt nội dung chính của bài nghiên cứu. Tác giả so sánh lời khuyên đưa ra từ các quyển sách về tài chính cá nhân và lý thuyết trong kinh tế học tài chính với 8 chủ đề: tiết kiệm, cổ phiếu danh mục đầu tư, cổ tức, loại cổ phiếu, đa dạng danh mục đầu tư quốc tế, quản lý quỹ, trả nợ không thế chấp và lựa chọn thế chấp.
Tiết kiệm
Bạn đã từng nghe nhiều về lời khuyên chúng ta nên tiết kiệm 10-15% thu nhập bất kì ở lứa tuổi nào khi còn đang làm việc, tuy nhiên, thuyết về tài chính lại đưa ra lời khuyên khác: bạn nên điều chỉnh mức tiêu dùng của bạn theo thời gian, không phải khoản tiết kiệm của bạn. Nghĩa là bạn nên tiết kiệm tương đối ít khi bạn ở độ tuổi hai mươi, sau đó khi bạn ở độ tuổi cuối ba mươi bốn mươi, bạn nên trở thành người siêu tiết kiệm. Và lời khuyên này bắt nguồn đơn giản từ việc con người chúng ta sở hữu niềm vui và nỗi buồn như thế nào, hay thuyết hữu dụng trong kinh tế học. Nghĩa là bát cơm thứ tư sẽ ít ngon hơn bát cơm thứ ba, bát cơm thứ năm sẽ ít vị hơn bát cơm thứ tư. Trên thực tế, mối quan hệ giữa số tiền chúng ta chi tiêu cho bản thân và mức độ niềm vui chúng ta nhận được thay đổi theo thời gian. Vì vậy kinh tế học đưa ra lời khuyên bạn nên điều chỉnh mức tiêu dùng của bạn theo thời gian.
Phân tích về cách tiết kiệm này lại khiến mình nhớ đến podcast gần đây của anh Hiếu Nguyễn về “Khổ trước sướng sau” hay “Sướng trước khổ sau”. Cũng nói về chúng ta điều chỉnh mức tiêu dùng/ tiết kiêm của mình như thế nào theo thời gian, và tùy thuộc vào tính cách, quan niệm của mỗi người về cuộc sống, họ có phương pháp tiêu dùng/tiết kiệm của riêng họ. Và hai cách phân loại này cũng tương tự sự khác biệt về lời khuyên tài chính phổ biến và từ lý thuyết của kinh tế học tài chính.
Lựa chọn thế chấp
Các nhà kinh tế học đưa ra lời khuyên chọn khoản thế chấp có lãi suất điều chỉnh, trong khi lời khuyên tài chính phổ biến lại là lãi suất cố định. Lý do đưa ra vì các khoản thế chấp có lãi suất điều chỉnh trung bình lại có lãi suất thấp hơn so với các khoản thế chấp có lãi suất cố định. Và cũng trái ngược, không nhiều nhà kinh tế học thực hiện việc vay thế chấp có lãi suất điều chỉnh. Một lần nữa, lý do được đưa ra là 1/ nhiều nhà kinh tế thực sự không đặt nhiều suy nghĩ của chuyên gia vào vấn đề tài chính cá nhân của họ và 2/ không nhiều người biết đến về thuyết lựa chọn thế chấp tối ưu.
Và theo mình, lời giải thích này rất đúng.
Toán học và tâm lý học?
Podcast này của Freakonomics cũng đã phỏng vấn tác giả của quyển sách “The psychology of money” và ông cũng đưa ra một nhận định nữa đối với Kinh tế học tài chính. Kinh tế học được giảng dạy và đưa ra lý thuyết dựa trên những công thức và mô hình toán học, tuy nhiên, trên thực tế quyết định đối với tài chính cá nhân phức tạp hơn thế. Tâm lý học đóng một vai trò lớn trong các quyết định về tiền bạc của chúng ta, dù tốt hay xấu, và các nhà kinh tế học thường không quan tâm nhiều tâm lý học cơ bản, và luôn đưa ra lý thuyết dựa trên giả định con người luôn đưa ra các quyết định hợp lý (mặc dù điều này xa rời thực tế).
Và còn nhiều phân tích nữa trong bài báo. Tuy nhiên mình cũng khuyến khích các bạn nghe podcast của Freakonomics về chủ đề này, vì Dubner thực tế phỏng vấn hai người thuộc hai quan điểm: lời khuyên tài chính phổ biến và thuyết kinh tế học tài chính – để chúng ta biết được sự khác nhau là gì, cách nhìn nhận của hai bên với bên còn lại như thế nào, và hiểu được điều gì dẫn đến sự khác nhau đó.
Cuối cùng, có thể dành câu kết luận của bài với ý kiến này từ Dubner trong Freakonomics:
Đây có thể là sự khác biệt lớn nhất giữa các tác giả tài chính nổi tiếng và các nhà kinh tế học. Nhiều nhà kinh tế học, như James Choi thừa nhận, là những kẻ lập dị. Cá nhân tôi thích những người lập dị – tất cả các loại người lập dị – và chắc chắn là bao gồm cả các nhà kinh tế học. Nhưng có thể đối với một thứ quan trọng, gần gũi và khó hiểu như tiền bạc – tiền của bạn và tiền của gia đình bạn – vâng, có lẽ các nhà kinh tế học không phải là nơi đầu tiên bạn nên tìm đến.