comment 0

Ngành xuất bản

Gần đây, mình có đọc một bài viết về hiện trạng ngành xuất bản ở Việt Nam, link đã được mình chia sẻ trong post này. Đồng thời, trước đó mình cũng tình cờ nghe cuộc nói chuyện của anh Nguyễn Cảnh Bình – là chủ tịch của công ty Alpha Books về những chia sẻ khi anh xây dựng công ty xuất bản Alpha Books, những gì anh đã trải qua, những dự định tương lai anh muốn làm để nâng tầm trí thức Việt và những suy nghĩ của anh về thực trạng hiện tại trong ngành xuất bản cũng tại Việt Nam.

Hai góc nhìn. Hai cách chia sẻ. Một đứng dưới góc nhìn của chủ nhà xuất bản. Một đứng dưới góc nhìn của người viết sách. Họ có những suy nghĩ và nhận định trái ngược nhau, thúc đẩy mình tìm hiểu vậy sự thật là gì? Lịch sử ngành xuất bản trên thế giới như thế nào? Xu hướng xuất bản trên thế giới như thế nào, và từ đó đưa ra góc nhìn của mình về những chia sẻ trên. Có thể nói, mình viết bài này đứng trên tư cách của một người hoàn toàn mới lạ về ngành xuất bản, chỉ đơn thuần tò mò về thế giới này – và đúc kết những gì mình học hỏi được.

Các loại hình xuất bản

Nếu phân chia các nhà xuất bản theo loại sách/ nội dung mà họ sản xuất, chúng ta có thể chia thành bốn loại gồm: Trade publishers, Scholarly publishers, Educational publishers và Reference publishers.

Trade publishers (Tạm dịch Nhà xuất bản thương mại) xuất bản chủ yếu các sách viễn tưởng (fiction) và không viễn tưởng (nonfiction) được bán thông qua các kênh bán lẻ.

Scholarly publishers (Tạm dịch Nhà xuất bản học thuật) xuất bản chủ yếu các sách thiên về nghiên cứu, bài báo cung cấp cho thư viện, các học giả và nhà nghiên cứu.

Educational publishers (Tạm dịch Nhà xuất bản giáo dục) xuất bản chủ yếu sách giáo khoa dạy cho trường học, cao đẳng và các cơ sở đại học.

Reference publishers (Tạm dịch Nhà xuất bản tài liệu tham khảo) xuất bản chủ yếu dưới hình thức thiên về tìm kiếm thông tin hơn việc đọc từ đầu đến cuối.

Nếu phân chia theo hình thức kinh doanh, chúng ta lại có thể chia các nhà xuất bản theo 3 hình thức: Commercial publishers, University presses, và Scholarly societies.

Commercial publishers (Tạm dịch Nhà xuất bản thương mại): mục tiêu của họ là lợi nhuận từ việc xuất bản. Họ có thể xuất bản các loại sách trade, educational, scholarly, hay reference (như kể ở trên), tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của họ là lợi nhuận thu được.

University presses (Tạm dịch Nhà xuất bản các trường đại học): xuất bản chủ yếu các bài báo, sách nghiên cứu – thường gắn liền với một trường Đại học cụ thể – và thường nhận được hỗ trợ tài chính.

Scholarly societies (Tạm dịch cộng đồng học giả): thường là các nhà xuất bản học thuật (Scholarly publishers) tập trung vào một ngành và thường xuất bản các bài báo nghiên cứu thay vì sách. Tuy nhiên, có một số nhà xuất bản có thể tập trung vào cả hai: sách và bài báo. Nguồn tài chính thường đến từ xuất bản và hội thảo.

Nguồn: https://apexcovantage.com/blog/clearing-publishing-classifications/

Vài điều thú vị về ngành xuất bản

Chuỗi xuất bản (The publishing chain)

Hình 1. Chuỗi xuất bản (Trích từ Merchants of Culture (2012)

Lưu ý chuỗi xuất bản được đề cập đây tập trung vào hình thức trade publishing (xuất bản thương mại). Hình 1 mô tả tóm tắt chuỗi xuất bản. Các tác giả tạo ra nội dung, cung cấp cho các nhà xuất bản thông qua các agents (người đóng vai trò lựa chọn nội dung và giới thiệu đến các nhà xuất bản phù hợp). Nhà xuất bản sẽ mua các quyền liên quan đến nội dung và tiến hành các hoạt động khác nhau, bao gồm đọc, chỉnh sửa, v.v trước khi đưa đến giai đoạn cuối cùng là in ấn và phân phối đến các thư viện, nhà bán sĩ, bán lẻ và đến người đọc sách.

Hình 2. Chuỗi giá trị xuất bản (Trích từ Merchants of Culture, 2012)

Trong hình này, tác giả mô tả cụ thể các công đoạn cần thiết để một quyển sách từ lúc có nội dung cho đến khi đến tay người đọc cần những bước như thế nào, và những người tham gia vào công đoạn được đề cập. Lưu ý đây là chuỗi giá trị xuất bản truyền thống. Tuy nhiên, với sự phát triển và thay đổi nhanh của công nghệ, nhiều xu hướng mới hình thành như ebook, hay tự xuất bản của các tác giả, nhiều công đoạn đã được rút ngắn, hay thuê bên ngoài thay vì cần các tác nhân như nhà xuất bản, người đại diện, v.v tham gia vào chuỗi giá trị.

Nguồn: Merchants of Culture (2012)

Sự phát triển của các chuỗi bán lẻ, các nhà đại diện và các tập đoàn xuất bản

Những năm 1970s là thời kì hưng thịnh của chuỗi bán lẻ sách với hai đại diện và sự cạnh tranh khốc liệt của hai chuỗi bán lẻ sách: Barnes & Noble và Borders. Vào những năm 1990s, cả hai chuỗi bán lẻ này tích cực mở rộng thị trường, tăng tốc mở các chuỗi của hàng ở khắp các thành phố của Mỹ và cả các nước khác trên thế giới, như Anh, Ireland, v.v. Các cửa hàng này thường được gọi dưới một tên khác “book superstore”. Đặc điểm chung của các chuỗi của hàng bán lẻ sách này bao gồm: vị trí đắc địa, thiết kế thu hút khách hàng (sạch sẽ, thoáng mát, của hàng cafe, và cả các khu vực để thư giã và đọc sách), giá sách rẻ hơn giá bìa (từ 10-40%). Mục tiêu của các chuỗi cửa hàng bán lẻ này là đem đến trải nghiệm mua sắm sách dễ dàng, thú vị và thoải mái hết sức có thể cho khách hàng. Tuy nhiên, vào những năm đầu 2000s, kinh doanh của Borders rơi vào khó khăn, các chuỗi cửa hàng ở nước ngoài liên tục đóng của, và cuối cùng đến tháng 2/2011, Borders đã thông báo phá sản, đến tháng 11/2011, tất cả các chuỗi cửa hàng còn lại của Borders đã đóng cửa. Thời điểm này được coi như điểm kết thúc của hơn 4 thập kỷ thịnh hưng của chuỗi bán lẻ, và mở ra một thời kì mới. Các chuỗi bán lẻ còn lại của Barnes & Noble tuy không còn sự cạnh tranh với Borders nhưng lại đứng trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của chuỗi bán lẻ online và khốc liệt nhất từ Amazon.

Sự phát triển mạnh mẽ của những nhà đại diện cũng định hình lịch sử phát triển của ngành Xuất bản (ở Mỹ và Anh). Số lượng các nhà xuất bản tăng đột biến vào những ngăm 1980s và 1990s. Sự phát triển bùng nổ này một phần được giải thích từ việc khá nhiều người có kinh nghiệm trong ngành xuất bản không có công việc hoặc không hài lòng với xu hướng phát triển nghề nghiệp mà họ đang gặp phải. Đồng thời, sự phát triển bùng nổ này đi kèm với nhu cầu ngày càng tăng đối với các nhà đại diện. Thứ nhất, các tác giả ngày càng cảm thấy quyền lợi của họ không được đảm bảo và họ cần người đại diện bảo vệ quyền lợi cho họ và giúp họ thương thuyết trong thế giới kinh doanh – vốn không thuộc sở trường của những người làm ngành sáng tạo. Thứ hai, những người đại diện là cửa ngõ để các tác giả tiến vào thế giới xuất bản. Thứ ba, các nhà xuất bản cũng muốn thương thảo về hợp đồng và tài chính với một người chuyên và có kinh nghiệm về lĩnh vực này, hơn là với các tác giả – người không có nhiều kinh nghiệm trong việc thương thảo hợp đồng. Thứ tư, những người đại diện cũng giúp làm nhẹ đi một phần công việc của những editors (người chỉnh sửa). Những người đại diện sẽ là những người đầu tiên giúp lọc ra những đầu sách hay và các tác giả đáng để đầu tư. Và cuối cùng, sự hiện diện của những người đại diện cũng giúp giảm bớt rủi ro trong việc đánh giá. Để biết được một quyển sách nào đó có thể trở thành “bestsellers” hay không thường rất khó, và nếu chỉ những nhà xuất bản hay editors đánh giá, có thể các đánh giá này trở nên rất chủ quan. Vì vậy, những người đại diện đưa thêm một góc nhìn khác cho các nhà xuất bản. Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của các nhà đại diện đến từ cả cung và cầu, từ sự phụ thuộc và hỗ trợ lẫn nhau đối với cả tác giả, nhà xuất bản và người chỉnh sửa nội dung. Một số những nhà đại diện lớn bao gồm ICM (International Creative Management) và Curtis Brown.

Sự trỗi dậy của các tập đoàn xuất bản là một yếu tố quan trọng, hay hơn nữa, đóng vai trò rất lớn đối với ngành xuất bản. Nếu như các chuỗi bán lẻ là cánh cổng đến với người đọc, các nhà đại diện mở ra tương tác với các tác giả, những nhà xuất bản đóng vai trò như trung gian – nhưng lại thiết yếu trong chuỗi giá trị này. Họ có quyền quyết định sách nào sẽ được xuất bản và đến với người đọc. Vào những năm cuối 1990s, có bốn tập đoàn xuất bản thống trị thị trường xuất bản ở Mỹ bao gồm: Random House, Penguin, HarperCollins và Simon & Schuster. Đối với những nhà xuất bản, xu hướng M&A (mergers and acquisitions) là cách giúp họ chiếm được thị trường nhanh nhất, và tăng tính kinh tế theo quy mô (trong việc tận dụng nguồn lực đối với tài chính, sản xuất, bán hàng và phân phối).

Nguồn: Merchants of Culture (2012), Book Wars (2021)

Vấn đề trong ngành xuất bản

Như đã nói ở trên, ngành xuất bản là một chuỗi bao gồm nhiều cá nhân tham gia vào chuỗi, và khởi đầu là các tác giả. Tuy nhiên, thế giới xuất bản và thế giới của những người viết (tác giả) lại không giống nhau, có khi đối ngược nhau, đồng thời lại cần nhau để tồn tại. Nếu nhìn đơn giản, ngành xuất bản chỉ tồn tại nếu có những người viết, vì vậy ngành Xuất bản cần phục vụ những người viết. Tuy nhiên, vế 1 có thể đúng, vế 2 chúng ta lại cần phải xem lại. Thực tế, ngành xuất bản không phục vụ người viết, và họ cũng không giúp những người làm nghề viết phát triển hơn. Thay vào đó, ngành xuất bản chủ yếu đi tìm những tác giả trẻ, mới để xuất bản và sau đó nhanh chóng “thải” họ ra nếu doanh thu không đạt như kỳ vọng (“thải” ở đây mang ý nghĩa sách của họ sẽ không được chú trọng, không được đầu tư marketing nhiều để đến với người đọc). Bởi mục tiêu của những nhà xuất bản lớn cuối cùng là lợi nhuận, doanh thu, thay vì đầu tư vào người viết. Với mục tiêu lợn nhuận, có thể một vấn đề nữa lại nằm trong tầm nhìn ngắn hạn nhằm tăng doanh thu, thay vì những vấn đề dài hạn hơn.

Nguồn: Merchants of Culture (2012)

Một vài suy nghĩ về những nhận định đối với ngành xuất bản Việt Nam

Mình còn nhớ những ngày đi học tại Bloomington (Indiana, Mỹ), nhà sách của Barnes and Noble là nơi yêu thích của mình đến để làm việc, ngắm sách, đọc sách miễn phí và nhâm nhi socola. Nhưng đến tháng 2/2019, chuỗi nhà sách bán lẻ này lại phải đóng của tại nơi của mình – để lại nỗi hụt hẫng lớn lao khi mất đi chốn đọc sách và làm việc quen thuộc. Những ngày đó mình vẫn luôn thắc mắc tại sao Barnes & Noble có thể duy trì hoạt động khi Amazon ngày càng đưa ra nhiều deal sách rất hời. Bản thân mình là một người đọc sách, có thể mình sẽ ra Barnes & Noble để ngắm sách và đọc thử xem có những quyển nào thú vị, nhưng cuối cùng mình sẽ về lại Amazon để mua quyển sách mà mình yêu thích. Đơn giản, Amazon bán sách rẻ hơn.

Có thể nói, xu hướng phát triển của ngành xuất bản Việt Nam cũng không nằm ngoài sự phát triển của thế giới, đặc biệt là xu hướng của Mỹ. Khi ở Việt Nam cũng có những nhà sách chú trọng đến trải nghiệm của người đọc sách như nhà sách Cá chép, và sau đó là sự bùng nổ của Tiki với nhiều lựa chọn đầu sách và cả những deal giá cực hời so với mua sách từ các nhà sách.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đối với sự phát triển của các công ty lớn về xuất bản chuyên về từng lĩnh vực khác nhau như Alpha Books, hay Fahasa, v.v. Đối với các người đại diện, mình chưa tìm hiểu sâu để biết được các nhà đại diện lớn ở Việt Nam hiện tại gồm những ai. Và cũng không nằm ngoài xu hướng cũng như những vấn đề chung của ngành xuất bản, thế giới của người viết cũng tồn tại những bất cập, và xung đột về lợi ích đối với các nhà xuất bản và các tác nhân khác tham gia trong chuỗi xuất bản.

Từ đó , mình tự đặt thêm những câu hỏi, hy vọng trong tương lai có thể trả lời và tìm hiểu thêm:

  • Những xung đột về lợi ích làm thế nào có thể giải quyết?
  • Sự lớn mạnh nhanh chóng của Amazon hay Tiki ở Việt Nam có những lợi ích gì, và đồng thời cũng đe dọa những gì đến ngành xuất bản?
  • Xu hướng trong tương lai đối với ngành xuất bản sẽ như thế nào?
  • Làm thế nào để thế giới người viết không tách rời ra khỏi thế giới của ngành xuất bản? Để nghề viết có thể trở thành một nghề đáng để theo đuổi?
  • Làm thế nào để giúp những người viết “tốt” hơn, để nâng cao văn hóa đọc (không chỉ là đọc nhiều mà còn là đọc gì, đọc như thế nào)?

Một số sách/ bài báo đề xuất đọc thêm

Link này đề cập và giải thích những sách/ bài báo quan trọng nhất để tìm hiểu về ngành xuất bản. Mình có tìm hiểu và thấy đây là những quyển quan trọng nhất.

  • John B. Thompson, Merchants of Culture: The Publishing Business in the Twenty-First Century (2nd ed., Polity, 2012): Quyển sách rất hay, cách viết cuốn hút, gồm cả phỏng vấn và số liệu để giúp ta hiểu thêm về thế giới trade publishing đặc biệt ở Mỹ, và thêm một số quốc gia khác như Anh, Đức, Pháp.
  • John B. Thompson,  Book Wars: The Digital Revolution in Publishing (Polity, May, 2021): Cùng tác giả trên, nhấn mạnh về tác động của digital lên ngành xuất bản sách.
  • Angus Phillips and Michael Bhaskar,  Oxford Handbook of Publishing (Oxford University Press, 2019): Sách thiên về học thuật.
  • Mike Shatzkin and Robert Paris Riger, The Book Business: What Everyone Needs to Know (Oxford University Press, 2019): Không nằm trong link trên, nhưng cũng là một quyển sách khái quát những điều cơ bản nhất về ngành xuất bản.

Tài liệu tham khảo

  1. https://apexcovantage.com/blog/clearing-publishing-classifications/
  2. John B. Thompson, Merchants of Culture: The Publishing Business in the Twenty-First Century (2nd ed., Polity, 2012)
  3. John B. Thompson,  Book Wars: The Digital Revolution in Publishing (Polity, May, 2021)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s