Với lạm phát cao hơn do chi phí ngày càng tăng từ các nhà cung cấp, chúng ta phải nghĩ lại về tính hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu. Covid-19 một lần nữa đã tiết lộ những yếu điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những yếu điểm này cũng đã được chứng kiến trong các đợt gián đoạn khác nhiều năm trước. Vào năm 2011, trận động đất và sóng thần lớn ở Nhật Bản hoặc trận lụt ở Thái Lan vài tháng sau đó cùng năm, hoặc cơn bão Harvey xảy ra ở Texas và Lousiana. (McKinsey, 2020). Sự kiện đáng tiếc ở Nhật Bản đã khiến một số nhà máy nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng phải đóng cửa và giống như quân cờ domino, các dây chuyền lắp ráp trên toàn thế giới phải dừng lại do thiếu các tấm silicon. Tương tự, trận lụt ở Thái Lan đã khiến các nhà máy sản xuất ổ cứng trên thế giới (chiếm 1/4 tổng sản xuất ổ cứng thế giới) bị đóng cửa hoàn toàn và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng máy tính cá nhân trên toàn thế giới. Không phải là một ngoại lệ, cơn bão Harvey ở Texas và Lousiana đã làm gián đoạn một số nhà máy lọc dầu và hóa dầu lớn nhất của Mỹ, gây ra tình trạng thiếu hụt chất dẻo và nhựa quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp.
Hậu quả khác nhau khi đối mặt với thiên tai giữa các ngành


Hình trên mô tả hậu quả khác nhau khi đối mặt với thiên tai giữa các ngành, được tính toán bởi McKinsey (2020) (Trong báo cáo gốc, McKinsey (2020) sử dụng chỉ số cho từng cú sốc cụ thể, bao gồm: chỉ số tổng thể, nhiệt độ tăng (heating), tấn công mạng, v.v.; tuy nhiên, trong ghi chú này, mình chỉ tập trung về thảm họa thiên nhiên và đề cập ngắn gọn về đại dịch). Có thể thấy đại dịch có tác động lớn đến các chuỗi giá trị sử dụng lao động nhiều (thâm dụng lao động). Ở giai đoạn Covid-19, nhu cầu đối với các ngành về hàng hóa không cần thiết và du lịch, như may mặc, sản phẩm dầu mỏ và hàng không vũ trụ giảm mạnh, nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, như nông nghiệp và thực phẩm và đồ uống vẫn rất mạnh.
Biểu đồ cho thấy các chuỗi giá trị được giao dịch nhiều (so với tổng sản lượng) có hậu quả nặng hơn so với chuỗi giá trị giao dịch ít. Trong các chuỗi giá trị, bao gồm thủy tinh và xi măng, thực phẩm và đồ uống, cao su và nhựa, và kim loại chế tạo, đối mặt với thiên tai có hậu quả thấp hơn. Những ngành này có chuỗi giá trị giao dịch ít nhất và mang tính khu vực nhất.
Khác nhau giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành
Ở trên chúng ta thấy sự khác biệt giữa các ngành, tuy nhiên, giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành, hậu quả đối mặt với thiên tai cũng khác nhau. Các doanh nghiệp có thể cấu trúc hệ sinh thái cung ứng của họ để đối mặt với rủi ro. Ví dụ: McKinsey tiến hành phân tích network về mức độ phức tạp của hệ sinh thái cung ứng cấp một và cấp hai cho hai công ty trong danh sách Fortune 500 trong ngành máy tính và điện tử: Lenovo và Dell (Nhà cung ứng cấp 1 là nhà cung ứng trực tiếp cho Lenovo và Dell, nhà cung ứng cấp 2 là nhà cung ứng cho các nhà cung ứng cấp 1 của Lenovo và Dell). Kết quả cho thấy hệ sinh thái nhà cung ứng của Dell “more clustered” – có nghĩa là Dell dễ gặp phải các nút thắt (bottleneck) hơn, trong khi đối với hệ sinh thái nhà cung ứng của Lenovo lại “more deep”, vì vậy khả năng hiển thị ít hơn.
Sự tập trung theo khu vực địa lý cũng là một rủi ro khác đối với các doanh nghiệp. Đối với một số ngành, một số chi tiết quan trọng được cung cấp bởi một quốc gia cụ thể, vì vậy nếu thiên tai hoặc xung đột cục bộ xảy ra, toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn, gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và ảnh hưởng lan rộng ra toàn bộ mạng lưới. Ví dụ, theo tính toán của McKinsey (2020), mức độ tập trung địa lý theo ngành từ năm 2000-2018 dựa trên Chỉ số Herfindahl-Hirschman về xuất khẩu (HHI) là lớn nhất đối với điện thoại di động và thiết bị liên lạc, trong khi thấp nhất đối với hàng không vũ trụ. Hay nói cách khác lĩnh vực hàng không vũ trụ đã quản lý để đa dạng hóa nguồn cung của họ.
Hình thức nào tốt hơn: nội địa hóa / khu vực hóa hay đa dạng hóa / toàn cầu hóa?
Với sự gián đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu và các mục tiêu chính trị khác, xu hướng đưa việc làm trở lại thị trường nội địa (nationalization) đã diễn ra trong vài năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, điều nào là đúng, liệu việc nội địa hóa (đưa công việc về thị trường nội địa để tránh rủi ro bất ngờ ở các nước khác) hay đa dạng hóa (đa dạng hóa nguồn cung linh kiện ở các nước khác nhau) sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề của mình và giảm thiểu hậu quả khi đối mặt với sự gián đoạn của chuỗi giá trị trên toàn cầu?
Một nghiên cứu sử dụng dữ liệu các doanh nghiệp Nhật Bản được tổng hợp sau trận động đất ở Nhật Bản năm 2011 của Zhu, Ito và Tomiura (2017) cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi sự cố đã phản ứng bằng cách thuê ngoài (offshoring) nhiều hơn, tuy nhiên, kết quả chỉ có ý nghĩa trong ngành sản xuất (manufacturing). Đối với các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào và nhập khẩu sản phẩm hoàn thành (final products) với các doanh nghiệp Nhật Bản trong giai đoạn này, nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp này không quay lại sản xuất trong nước, hay nhập khẩu từ các quốc gia gần họ, hay tăng cường đa dạng hóa nhập khẩu để giảm thiểu rủi ro, hay chuyển sang các nhà cung cấp hàng đầu. Thay vào đó, họ thay thế các nhà cung cấp từ Nhật Bản bằng các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển và đến từ các đất nước có quy mô lớn để tận dụng quy mô thị trường. Do đó, từ quan điểm của những thảm họa thiên nhiên trước đây, có vẻ như các doanh nghiệp không quá mặn mà vào hình thức nội địa hóa/ khu vực hóa.
Nhìn vào khía cạnh khác một chút, Ando và Hayakawa (2021) cố gắng trả lời liệu đa dạng hóa nhập khẩu đầu vào hay nhập khẩu đầu vào tập trung hiệu quả hơn khi đối mặt với COVID-19. Họ nhận thấy rằng việc đa dạng nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào đã thực sự giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tác hại của COVID-19 trong các ngành công nghiệp máy móc. Tuy nhiên, Jain, Girotra và Netessine (2020) lại đưa ra một kết luận ngược lại khi họ kết luận rằng “ít nhà cung cấp hơn giúp các doanh nghiệp dễ dàng xác định những nhà cung ứng tốt hơn và có thể phục hồi nhanh nhất sau một sự kiện gián đoạn”. Nghe khá nghịch lý, tuy nhiên bài báo của Jain, Girotra và Netessine phân tích ở một sự kiện khác – cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008. Cuộc khủng hoảng này chủ yếu ảnh hưởng đến phía cầu (demand) chứ không phải từ phía cung như trong COVID-19.
Do đó, nội địa hóa/ khu vực hóa hay toàn cầu hóa là vấn đề cân bằng giữa rủi ro và cơ hội (Seric, Gorg, Liu và Windishch, 2021). Mặc dù nội địa hóa/ khu vực hóa mang lại nhiều cơ hội, chẳng hạn như giảm chi phí vận tải và ít phụ thuộc hơn vào sự gián đoạn chuỗi cung ứng (Javorcik, 2020), nội địa hóa cũng mang lại một số rủi ro tiềm ẩn. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể phải chấp nhận giảm tính linh hoạt và hiệu quả để tìm ra phương án tối ưu tốt nhất trong chiến lược tìm nguồn cung ứng, ví dụ trong trường hợp các nhà cung cấp gặp phải cú sốc theo quốc gia hoặc khu vực cụ thể (Arriola, 2020).
Một số tài liệu đề cập trong bài
- Ando, M., & Hayakawa, K. (2021). Does the import diversity of inputs mitigate the negative impact of COVID-19 on global value chains?. The Journal of International Trade & Economic Development, 1-22.
- Arriola, C., Kowalski, P., & Van Tongeren, F. (2020). Localising value chains in the post-COVID world would add to the economic losses and make domestic economies more vulnerable. VoxEU, November, 15.
- Freund, C., Mattoo, A., Mulabdic, A., & Ruta, M. (2021). Natural Disasters and the Reshaping of Global Value Chains.
- Jain, N., Girotra, K., & Netessine, S. (2021). Recovering Global Supply Chains from Sourcing Interruptions: The Role of Sourcing Strategy. Manufacturing & Service Operations Management.Chicago
- Javorcik, B. (2020). Global supply chains will not be the same in the post-COVID-19 world. COVID-19 and trade policy: Why turning inward won’t work, 111.
- McKinsey (2020). Risk, resilience, and rebalancing in global value chains | McKinsey
- Seric, A., Görg, H., Mösle, S., & Windisch, M. (2020, April). Managing COVID-19: How the pandemic disrupts global value chains. In World Economic Forum (Vol. 27).
- Zhu, L., Ito, K., & Tomiura, E. (2016). Global sourcing in the wake of disaster: evidence from the Great East Japan earthquake. RIETI.